Trường hợp sống trong ngôi nhà thuộc sở hữu của người khác
(Ví dụ: Nhà thuê)

Trường hợp sống trong nhà đi thuê, thông thường khi ký hợp đồng thuê nhà với công ty bất động sản hoặc chủ nhà, bên cạnh việc ký hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn để bảo vệ đồ đạc trong nhà của bản thân (*1), người đi thuê sẽ ký cả hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm bồi thường của người thuê nhà để chuẩn bị cho việc bồi thường thiệt hại cho chủ nhà (*2).

*1 Hỏa hoạn và các thiệt hại khác xảy ra với căn nhà sẽ được chi trả bởi bảo hiểm hỏa hoạn mà chủ nhà đã tham gia, vì vậy về nguyên tắc, bạn không phải chịu trách nhiệm bồi thường, tuy nhiên bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại đối với đồ đạc trong nhà.

*2 Một hợp đồng cho thuê thông thường sẽ quy định người thuê phải khôi phục phòng lại như trạng thái ban đầu khi mới được bàn giao rồi mới trả lại cho chủ nhà. Do đó, trong trường hợp gây hư hại cho ngôi nhà (chẳng hạn như làm bẩn và hư hỏng nội thất bên trong, v.v...), bạn sẽ bị chủ nhà yêu cầu bồi thường thiệt hại.

*Trường hợp bạn sống trong nhà ở công ty hoặc ký túc xá sinh viên, vui lòng liên hệ với công ty hoặc trường học để biết bạn sẽ nhận được khoản bồi thường nào.

Để chuẩn bị cho tình huống thiệt hại về tài sản trong nhà và phải bồi thường thiệt hại cho chủ nhà, việc tham gia bảo hiểm hỏa hoạn cho nhà đi thuê sẽ khiến ta yên tâm hơn.

Hiện tại, nhiều công ty bảo hiểm thiệt hại đang cung cấp các loại bảo hiểm như sau.

Nội dung bồi thường

  • Bảo hiểm hỏa hoạn cho nhà thuê được bán dưới dạng một bộ bao gồm (1) bảo hiểm hỏa hoạn cho tài sản trong nhà và (2) bảo hiểm trách nhiệm bồi thường của người thuê nhà.
    (1) Bảo hiểm hỏa hoạn cho tài sản trong nhà sẽ chi trả cho những thiệt hại phát sinh đối với đồ đạc trong nhà.
    (2) Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường của người thuê nhà sẽ chi trả cho chủ nhà những thiệt hại phát sinh đối với ngôi nhà bạn thuê.
  • Bảo hiểm hỏa hoạn cho nhà thuê sẽ chi trả cho những thiệt hại như hỏa hoạn, v.v...
    Có nhiều sản phẩm bảo hiểm khác nhau đang được bán, nhưng bảo hiểm cho nhà thuê chủ yếu bồi thường cho các sự cố như sau.
    • Hỏa hoạn
    • Sét đánh, đổ vỡ hoặc phát nổ
    • Cuồng phong, thảm họa mưa đá, thảm họa tuyết rơi
    • Thiệt hại do vật thể bay từ bên ngoài vào hay vật thể trên cao rơi xuống
    • Bị tấn công hay phá hoại do các cuộc bạo loạn và đình công, v.v...
    • Trộm cắp
    • Hư hỏng do nước (rò rỉ nước, v.v.)
    • Thủy tai (lũ lụt, ngập lụt, v.v.)

    *Những thiệt hại do động đất, núi lửa phun trào hay sóng thần sẽ không được bảo hiểm hỏa hoạn chi trả.

  • Chi tiết nội dung bồi thường có sự khác nhau tùy thuộc vào công ty bảo hiểm, do đó, hãy tìm sản phẩm phù hợp với bạn.

Đối tượng bảo hiểm

  • Bảo hiểm hỏa hoạn cho nhà thuê chỉ bồi thường cho các đồ đạc trong nhà.
  • Bạn không cần phải ký kết hợp đồng bảo hiểm cho căn nhà mà bạn đang thuê, tuy nhiên bảo hiểm bao gồm trách nhiệm bồi thường trong trường hợp căn nhà bị hư hại là cần thiết.
  • Trường hợp đối tượng bảo hiểm là tài sản trong nhà, nếu tài sản trong nhà có cả kim loại quý hoặc tác phẩm nghệ thuật đắt tiền, v.v… mà bạn không thông báo trước cho công ty bảo hiểm, thì sẽ không được chi trả bảo hiểm.

*Xin lưu ý rằng những giải thích trên dựa trên luật pháp và thông lệ của Nhật Bản và chỉ mang tính chất ví dụ.
Thực tế sẽ có sự khác nhau tùy từng trường hợp cụ thể.

Để chuẩn bị cho trường hợp động đất hoặc núi lửa phun trào hay sóng thần, việc tham gia bảo hiểm động đất sẽ khiến ta yên tâm hơn.

Trong những năm gần đây, trên khắp thế giới đã xảy ra nhiều thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là Nhật Bản có tần suất động đất cao hơn so với các quốc gia khác và động đất có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên đất nước Nhật Bản.
Tuy nhiên, riêng bảo hiểm hỏa hoạn sẽ không chi trả cho những thiệt hại của nhà và đồ đạc trong nhà do động đất gây ra.

*Hệ thống bảo hiểm động đất của Nhật Bản được điều hành chung bởi chính phủ và các công ty bảo hiểm thiệt hại tư nhân.
Do đó, cho dù là công ty bảo hiểm nào thì nội dung bồi thường và phí bảo hiểm cũng đều như nhau (với điều kiện là hợp đồng giống nhau).

Nội dung bồi thường

Bảo hiểm động đất sẽ chi trả cho những thiệt hại về nhà gây ra bởi động đất, núi lửa phun trào hay sóng thần mà không được bảo hiểm hỏa hoạn chi trả.

  • Nhà bị cháy rụi do hỏa hoạn (kể cả trường hợp lửa cháy lan rộng) gây ra bởi động đất.
  • Nhà bị sập bởi động đất.
  • Nhà bị phá hủy bởi núi lửa phun trào.
  • Nhà bị cuốn trôi bởi sóng thần.
  • Nhà bị chôn vùi bởi động đất.

Bảo hiểm động đất cần phải được ký kết cùng với bảo hiểm hỏa hoạn và không thể tham gia riêng biệt.
Ngoài ra, bạn có thể tham gia bảo hiểm động đất ngay cả khi bạn đang trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn.

Đối tượng bảo hiểm/Số tiền bảo hiểm

  • Trường hợp nhà cho thuê, đồ đạc trong nhà sẽ là đối tượng được bảo hiểm.
  • Số tiền hợp đồng bảo hiểm động đất được xác định trong khoảng từ 30% đến 50% số tiền hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn.
  • Giới hạn trên của số tiền hợp đồng đối với đồ đạc trong nhà là 10.000.000 Yên.

Phí bảo hiểm và chiết khấu

  • Phí bảo hiểm sẽ khác nhau tùy thuộc vào cấu trúc và vị trí của căn nhà.
  • Chế độ chiết khấu sẽ tùy thuộc vào khả năng chống rung và khả năng chống động đất của tòa nhà.
  • Bảo hiểm động đất có các ưu đãi về thuế (chế độ khấu trừ phí bảo hiểm động đất).

*Xin lưu ý rằng những giải thích trên dựa trên luật pháp và thông lệ của Nhật Bản và chỉ mang tính chất ví dụ.
Thực tế sẽ có sự khác nhau tùy từng trường hợp cụ thể.